Đó là một nhiệm vụ quan trong được xác định trong Đề án “Bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc gắn với phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030” của UBND tỉnh Lai Châu.
Lai Châu có nhiều tiềm năng để phát triển du lịch cộng đồng.
Lai Châu có lợi thế phát triển du lịch cộng đồng
Tỉnh Lai Châu có nhiều tiềm năng và lợi thế to lớn để phát triển du lịch, đặc biệt là du lịch cộng đồng. Mảnh đất địa đầu Tổ quốc được thiên nhiên ưu đãi ban tặng nhiều cảnh quan thiên nhiên đẹp, cộng với khí hậu ôn hòa, quanh năm mát mẻ. Bên cạnh đó, Lai Châu còn là nơi sinh sống của 20 dân tộc anh em với kho tàng văn hóa truyền thống vô cùng phong phú, độc đáo và giàu bản sắc.
Trên cơ sở những tiềm năng và lợi thế đó, ngành Du lịch tỉnh Lai Châu đã tập trung quy hoạch, xây dựng một số bản văn hóa du lịch cộng đồng, khai thác, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc với điểm nhấn là loại hình du lịch homestay, phục vụ du khách tham quan, trải nghiệm và dần dần trở thành sản phẩm du lịch đặc trưng, thu hút đông đảo du khách trong nước và quốc tế.
Hiện nay, tỉnh Lai Châu đang có 5 bản du lịch cộng đồng tiêu biểu thu hút đông đảo khách du lịch đến tham quan, trải nghiệm. Đó là các bản Sin Suối Hồ, Vàng Pheo (huyện Phong Thổ), bản Thẳm, Sì Thâu Chải (huyện Tam Đường) và bản San Thàng (thành phố Lai Châu).
Tại các điểm du lịch cộng đồng, người dân thường xuyên duy trì đội văn nghệ và sinh hoạt văn hóa dân gian, tổ chức nhiều trò chơi truyền thống để phục vụ khách du lịch. Một số du khách cũng thích thú với việc tìm hiểu nghề thủ công truyền thống của các dân tộc như rèn, dệt, thêu, mây tre đan, chạm khắc bạc… Và để thêm “gia vị” cho những cuộc vui tại các bản làng sẽ không thể thiếu các món ngon vật lạ đặc trưng của Lai Châu như: Lợn cắp nách, thịt lợn gác bếp, thịt trâu sấy, cá bống vùi do, mật ong rừng, bánh chưng đen, miến dong Bình Lư, rượu ngô Sùng Phài… Tất cả đều là nguyên liệu sạch từ thiên nhiên được bà con đồng bào dân tộc vùng cao chính tay vào bếp chế biến. Bởi vậy, những món ăn tại đây không chỉ ngon vì mang đậm hương vị núi rừng Tây Bắc mà còn chứa đựng cả tâm tình của người dân nơi đây, thật thà, chất phác và mến khách.
Người dân ở các bản làng sẽ cung cấp thực phẩm và trực tiếp vào bếp nấu nướng các món ăn truyền thống cho du khách.
Ngoài ra, ngành Du lịch tỉnh còn quan tâm bảo tồn, phát triển các chợ phiên trở thành sản phẩm du lịch hấp dẫn, thu hút du khách tham quan, mua sắm hàng thủ công mỹ nghệ, đồ lưu niệm, ẩm thực và sản vật địa phương, kết hợp với tìm hiểu bản sắc văn hóa độc đáo của các dân tộc. Một số bản du lịch có địa hình đồi núi cao nên du khách có thể trải nghiệm cảm giác chinh phục các đỉnh núi cao, bay dù lượn, hoặc săn mây.
Sau khi được công nhận là bản văn hóa du lịch cấp tỉnh, các bản du lịch cộng đồng ở Lai Châu đã đẩy mạnh hoàn thiện hạ tầng du lịch. Người dân đã có ý thức làm du lịch, giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống, cảnh quan môi trường sạch đẹp và đầu tư xây dựng thêm các homestay để phục vụ du khách. Số lượng du khách tăng dần theo từng năm, từ hàng nghìn đến hàng chục nghìn lượt khách, doanh thu từ hàng trăm triệu đến hàng tỷ đồng. Trong đó, Sin Suối Hồ là bản du lịch cộng đồng nổi bật nhất của tỉnh Lai Châu, được Hiệp hội Du lịch Việt Nam vinh danh là Làng du lịch cộng đồng tiêu biểu năm 2019, được Diễn đàn Du lịch Đông Nam Á tôn vinh ở hạng mục giải thưởng Du lịch cộng đồng ASEAN năm 2023.
Ông Trần Đình Thỏa, người đi tiên phong làm du lịch cộng đồng ở bản Thẳm cho biết: “Ở đây có tiềm năng phát triển du lịch cộng đồng lâu dài và bền vững. Ngoài sức hấp dẫn từ cảnh quan thiên nhiên thì văn hóa của dân tộc Lự cũng rất độc đáo, ví dụ như dệt thổ cẩm, nhuộm răng đen hay múa hát mời rượu. Có thể nói, việc làm du lịch đã giúp nâng cao đời sống của bà con. Nhà nào cũng có TV màu, mạng Internet và quan trọng hơn là mọi người đã được tiếp cận với các tiện ích văn minh, hiện đại. Bà con cũng học hỏi được nếp sống văn minh từ du khách. Người dân đã chịu khó làm ăn chứ không còn rượu chè nhiều như ngày trước”.
Ở Lai Châu, ngày càng có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số đầu tư làm homestay để phục vụ du khách.
Du lịch cộng đồng ở Lai Châu chưa phát huy hết tiềm năng
Mặc dù các bản du lịch đang dần trở thành những điểm đến hấp dẫn khách trong nước và quốc tế, nhưng hầu hết các chuyên gia đều đánh giá du lịch cộng đồng ở Lai Châu vẫn chưa khai thác, phát huy triệt để các tiềm năng, lợi thế sẵn có.
Một số bản chưa được quy hoạch chi tiết nên chưa sắp xếp không gian phù hợp để thu hút khách du lịch. Chính vì thế, các bản làng cần thực hiện nhiều hơn những hoạt động bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa và có sự định hướng của các cấp chính quyền (bảo tồn kiến trúc nhà ở, chợ phiên, lễ hội, truyền dạy nghề thủ công...); gìn giữ các không gian văn hóa, kiến trúc nhà ở truyền thống của các dân tộc trong môi trường đô thị hóa và tốc độ phát triển kinh tế của xã hội. Các lễ hội truyền thống được cần được tổ chức có quy lớn hơn, bài bản và quảng bá rộng hơn trên các phương tiện truyền thông, đồng thời xây dựng thêm nhiều sản phẩm du lịch, quà lưu niệm còn đặc trưng mang đậm nét văn hóa của các dân tộc.
Hiện nay, đồng bào mới tập trung khôi phục các lễ hội và một số làn điệu dân ca, dân vũ tiêu biểu, việc duy trì và phát huy sau khi được bảo tồn, phục dựng chưa thực sự hiệu quả. Nghệ thuật trình diễn dân gian chưa phong phú, nghề thủ công truyền thống mai một, chưa xây dựng được sản phẩm văn hóa hấp dẫn khách du lịch.
Du lịch cộng đồng ở Lai Châu vẫn chưa khai thác hết các tiềm năng, lợi thế sẵn có.
Ông Trần Quang Kháng - Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Lai Châu cho biết: “Điểm nghẽn lớn nhất của du lịch tỉnh Lai Châu hiện nay vẫn là hạ tầng giao thông. Quãng đường di chuyển từ trung tâm các thành phố lớn đến Lai Châu mất rất nhiều thời gian. Hơn nữa, du lịch Lai Châu có tính chất theo mùa, thường là tháng 9 đến tháng 4 năm sau. Còn từ tháng 5 đến tháng 8 là những tháng cao điểm mùa mưa, địa hình của Lai Châu có nhiều khó khăn cho việc triển khai các hoạt động du lịch, đặc biệt là du lịch mạo hiểm. Trong thời gian này, đường kết nối với các bản thường xuyên bị sạt lở”.
Hiện nay, tỉnh Lai Châu đang xúc tiến 3 dự án xây dựng đường giao thông lớn để thúc đẩy phát triển du lịch. Một là đường kết nối Lai Châu với cao tốc Nội Bài – Lào Cai đang thực hiện. Hai là xúc tiến thực hiện đường hầm xuyên đèo Hoàng Liên Sơn để kết nối thị xã Sa Pa (Lào Cai) với huyện Tam Đường (Lai Châu). Ba là xúc tiến xây dựng sân bay.
“Số lượng phòng nghỉ ở Lai Châu và công suất sử dụng vẫn chưa được sử dụng tối đa. Tuy nhiên, khó khăn này có thể được giải quyết nếu trở ngại về giao thông được gỡ bỏ, du khách đến với Lai Châu nhiều hơn”, ông Trần Quang Kháng nói thêm.
Tỉnh Lai Châu đang xúc tiến các dự án xây dựng đường giao thông lớn để thúc đẩy phát triển du lịch.
Xây dựng tour du lịch cộng đồng với các sản phẩm đặc trưng
Mặc dù đang tìm cách phát triển các sản phẩm du lịch mới, nhưng Lai Châu vẫn sẽ ưu tiên phát triển du lịch cộng đồng. Trong giai đoạn 2021 – 2025, UBND tỉnh Lai Châu đặt ra mục tiêu xây dựng 5 sản phẩm du lịch đặc trưng gắn với phát triển du lịch cộng đồng, trong đó có ít nhất 1 sản phẩm du lịch đạt sản phẩm OCOP 4 – 5 sao. Tỉnh cũng sẽ phấn đấu xây dựng 1 bản du lịch cộng đồng tiêu biểu quốc gia, tiến tới đề nghị công nhận điểm du lịch cộng đồng ASEAN.
Ông Trần Quang Kháng cho biết: “Chúng tôi đang đẩy mạnh triển khai các chương trình hỗ trợ 5 bản du lịch cộng đồng nổi bật của tỉnh, định hướng xây dựng thành các bản du lịch kiểu mẫu và gắn kết các bản thành chuỗi. Đây là các bản có vị trí địa lý gần nhau, có lợi thế về cảnh quan thiên nhiên và có sự khác biệt về văn hóa, bao gồm 1 bản người Mông, 1 bản người Giáy, 1 bản người Dao, 1 bản người Thái và 1 bản người Lự. Các bản này thuộc 2 huyện và 1 thành phố, nằm trong phạm vi bán kính khoảng 30km nên có thể liên kết với nhau, nhưng vẫn đảm bảo sự khác biệt về văn hóa để thu hút khách du lịch, tạo thành một tour du lịch cộng đồng đặc sắc”.
Tỉnh Lai Châu đang định hướng liên kết 5 bản du lịch cộng đồng với các sản phẩm du lịch đặc trưng.
Theo đó, bản Sin Suối Hồ ở huyện Phong Thổ sẽ bảo tồn, phát huy văn hóa truyền thống tốt đẹp dân tộc Mông gắn với du lịch sinh thái, nông nghiệp (phát triển cây hoa Lan, cây ăn quả ôn đới, mô hình trồng rau sạch, khám phá rừng nguyên sinh…). Bản du lịch cộng đồng Vàng Pheo ở huyện Phong Thổ bảo tồn, phát huy văn hóa dân tộc Thái gắn với trải nghiệm bản sắc văn hóa (lễ hội Gội đầu Áp hô chiêng, chợ phiên Dào San, hát Then, Đàn tính, Xòe Thái). Bản Thẳm ở huyện Tam Đường bảo tồn, phát huy văn hóa dân tộc Lự gắn với bản sắc văn hóa độc đáo (Tết Cơm mới, dệt thổ cẩm, nhuộm răng đen). Bản Sì Thâu Chải ở huyện Tam Đường bảo tồn, phát huy văn hóa của dân tộc Dao (nhóm ngành Dao Đầu bằng) gắn với du lịch mạo hiểm (dù lượn, chinh phục đỉnh Pu Ta Leng). Bản San Thàng ở thành phố Lai Châu bảo tồn, phát huy văn hóa dân tộc Giáy gắn với chợ phiên và chợ đêm San Thàng.
Để hoàn thành mục tiêu nêu trên, ngành Du lịch tỉnh Lai Châu cần đẩy mạnh nghiên cứu, sưu tầm, phục dựng, lưu giữ, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống; sử dụng các giá trị văn hóa đặc sắc để phát triển du lịch. Tỉnh cũng sẽ tăng cường hoàn thiện cơ chế, chính sách; tập trung các nguồn lực cho bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc; tăng cường đào tạo nguồn nhân lực và tăng cường liên kết, hợp tác trong bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống gắn với phát triển du lịch.
Tỉnh Lai Châu phấn đấu xây dựng 1 bản du lịch cộng đồng tiêu biểu quốc gia trong giai đoạn 2021 – 2025.
Ông Trần Quang Kháng cho biết, tỉnh đang thực hiện một số chương trình hợp tác song phương, đa phương, hợp tác theo khu vực để quảng bá du lịch của địa phương, tăng cường liên kết của du lịch Lai Châu với các địa phương, các trung tâm du lịch lớn. Một là liên kết giữa các tỉnh Tây Bắc với Thành phố Hồ Chí Minh, hai là kết nối với các tỉnh Nam Trung Bộ, ba là kết nối với Thành phố Hà Nội. Ngoài ra, ngành du lịch Lai Châu còn liên kết với một số tỉnh hàng xóm như: Lào Cai, Điện Biên hay Sơn La. Một nhiệm vụ quan trọng khác là nâng cao chất lượng nguồn nhân lực hoạt động trong lĩnh vực du lịch, đào tạo đội ngũ cán bộ quản lý và nhân viên trong các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch theo tác phong chuyên nghiệp đáp ứng nhu cầu của du khách.
Mặt khác, tỉnh Lai Châu cũng rất chú trọng các hoạt động quảng bá, xúc tiến, thông tin du lịch. Một số hoạt động nổi bật có thể kể đến như tổ chức thành công Giải vô địch quốc gia marathon, cự ly dài Báo Tiền Phong lần thứ 64, Ngày hội Văn hóa các dân tộc có số dân dưới 10.000 người lần thứ I và Tuần Du lịch - Văn hóa Lai Châu năm 2023.
Trong thời gian tới, UBND tỉnh sẽ sử dụng nguồn kinh phí nhà nước đầu tư cho các hoạt động văn hóa, huy động các nguồn xã hội hóa đầu tư vào lĩnh vực du lịch, xây dựng thêm các dịch vụ du lịch để tăng thời gian lưu trú và mức chi tiêu của du khách khi đến du lịch tại Lai Châu.